Cổ phiếu “họ” Viettel nổi sóng
Thị trường chung giằng co, nhóm cổ phiếu “họ” Viettel lại bất ngờ toả sáng. Cả 3 cổ phiếu VGI của Viettel Global, CTR của Công trình Viettel và VTK của Tư vấn Thiết kế Viettel đều đua nhau tăng tốc “bằng lần” trong thời gian gần đây, thậm chí có mã lập đỉnh mới.
Cổ phiếu có thị giá cao nhất trong nhóm Viettel là cổ phiếu CTR của Viettel Contruction tiếp tục có bước nhảy vọt khi tăng kịch trần trong phiên sáng 11/3 để leo lên đỉnh lịch sử là 112.500 đồng/cp. Cổ phiếu CTR đã tăng 25% kể từ đầu năm và tăng gấp đôi với mức giá 1 năm trước.
Là doanh nghiệp tỷ USD duy nhất trong họ Viettel, cổ phiếu VGI của Viettel Global cũng không kém cạnh với mức tăng 5,5% phiên 11/3 để leo lên mức 38.500 đồng/cp. Dù chưa chạm đến mức đỉnh cao trong quá khứ, nhưng cổ phiếu “họ” Viettel này cũng đã tiến đến gần vùng đỉnh với mức tăng 49% kể từ đầu năm. Vốn hóa thị trường hiện tại của VGI đạt gần 116.800 tỷ đồng, tương đương 4,7 tỷ USD.
Trong khi đó, cổ phiếu VTK của Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Viettel (Viettel Consultancy) cũng tăng tốt 3,2% để lên 42.000 đồng/cp. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã bứt phá 27%.
Chuẩn bị niêm yết trên sàn HoSE, cổ phiếu VTP của Viettel Post đã liên tục tăng mạnh qua đó leo lên lập đỉnh mới 78.400 đồng/cp vào đúng ngày “chia tay” UPCoM. Từ đầu tháng 11/2023 đến nay, thị giá cổ phiếu này đã tăng gần gấp đôi. Giá trị vốn hóa thị trường của Viettel Post cũng theo đó tăng lên trên 9.500 tỷ đồng, gấp 3 lần so với thời điểm một năm trước.
Nhóm cổ phiếu “họ” Viettel đồng loạt “nổi sóng” trước thềm cổ phiếu VTP của Viettel Post chính thức chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE vào ngày 12/3. Theo đó, 121,78 triệu cổ phiếu VTP sẽ chính thức chào sàn HoSE ngày 12/3 với giá tham chiếu 65.400 đồng/cp (biên độ +/-20%).
Bên cạnh đó, thông tin hỗ trợ tích cực cho nhóm cổ phiếu này được cho là đến từ việc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel chính thức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500 – 2600 MHz trong vòng 15 năm tới với mức trúng đấu giá khá lớn.
Băng tần 2500-2600 MHz mà Viettel trúng đấu giá được Bộ Thông tin và Truyền thông quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn 5G, 4G và các công nghệ tiếp theo.
Đại diện Viettel cho biết băng tần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Viettel đồng hành cùng xu thế phát triển về công nghệ viễn thông của thế giới, tiếp tục phát triển mạng 4G và chuyển đổi sang công nghệ 5G.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng
Mức tăng giá cao của nhóm cổ phiếu Viettel chủ yếu là nhờ kết quả kinh doanh nhìn chung khả quan, dù có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp.
Nổi bật nhất là Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel – Viettel Construction (mã CTR). Tháng 1/2024, CTR cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt 869 tỷ đồng và 50 tỷ đồng, tăng trưởng 15% và 17% so với cùng kỳ.
Năm 2024, Viettel Construction đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 12.653 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 671,4 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 10% và 4% so với thực hiện 2023. Với kết quả đạt được trong tháng đầu năm, tổng công ty đã thực hiện 6,9% kế hoạch doanh thu và 7,4% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Nhìn lại năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.299 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 517 tỷ, lần lượt tăng 19% và 13% so với năm 2022. Đây là năm thứ 10 liên tiếp tăng trưởng doanh thu và thứ 7 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh của Viettel Post (mã VTP) cũng khởi sắc sau 2 năm lợi nhuận giảm, năm 2023, Viettel Post ghi nhận doanh thu đạt 19.590 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn giảm mạnh hơn giúp lợi nhuận gộp tăng mạnh 35%, lên gần 876 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Viettel Post lãi ròng hơn 380 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2022.
Năm 2024, Viettel Post đặt mục tiêu doanh thu 13.847 tỷ đồng, giảm 29% so với mức thực hiện của 2023 nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng nhẹ lên 384 tỷ đồng. Doanh nghiệp đặt mục tiêu trong 5 năm tới, doanh số tăng gấp 10 lần so với năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng 60-65% mỗi năm cho cả hoạt động cốt lõi và lĩnh vực mới.
Doanh nghiệp cho biết vẫn đang tìm kiếm cơ hội ở thị trường nước ngoài, đây là mảng tiềm năng trở thành động lực tăng giai đoạn 2025 – 2030. Công ty đã có 2 công ty con trong lĩnh vực chuyển phát nhanh hoạt động ở nước ngoài là Mygo Cambodia và Mygo Myanmar. Viettel Post xúc tiến xây dựng tuyến vận chuyển liên kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam và Asean; tham gia xây dựng đề án cửa khẩu thông minh hiện đại nhất Việt Nam.
Link nguồn: https://cafef.vn/co-phieu-ho-viettel-tang-boc-dau-truoc-them-viettel-post-chuyen-nha-sang-hose-co-ma-tang-kich-tran-len-dinh-lich-su-188240311112956736.chn