Đầu phiên giao dịch tuần, cổ phiếu VCF của Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (mã VCF) tăng mạnh lên 233.200 đồng/cổ phiếu. Sự tăng tốc giúp cổ phiếu này chấm dứt trạng thái giằng co và leo lên mức đỉnh cao nhất trong 5 tháng qua.
Đồng thời, sự tăng trưởng của VCF cũng củng cố vị thế là cổ phiếu đắt giá nhất trên HOSE, vượt xa mức 189.000 đồng của cổ phiếu đứng thứ hai là FRT. Vốn hóa thị trường cũng cải thiện đáng kể lên gần 6.200 tỷ đồng.
Mặc dù giá thị trường biến động mạnh, thanh khoản cổ phiếu VCF vẫn chưa cải thiện nhiều. Khối lượng khớp lệnh trung bình trong 10 phiên gần nhất đều dưới 1.000 đơn vị, riêng phiên sáng ngày 26/8 có 2.300 cổ phiếu được chuyển nhượng.
Cơ cấu cổ đông tập trung là lý do khiến thanh khoản của VCF luôn ở mức thấp. Cụ thể, 98,79% vốn của công ty do Công ty TNHH Masan Beverage – thành viên của Masan Group (mã MSN) nắm giữ. Hiện tại, khối lượng thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ chỉ khoảng 320.000 cổ phiếu.
Đợt tăng giá của VCF được kích hoạt sau khi công ty công bố ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 250%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận được 25.000 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 9 tháng 9, dự kiến thanh toán vào ngày 20 tháng 9.
Với gần 26,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Vinacafé Biên Hòa sẽ chi gần 650 tỷ đồng để trả cổ tức. Với hơn 26,3 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ sở hữu 98,79%), Công ty TNHH Masan Beverage sẽ nhận về hơn 642 tỷ đồng.
Vinacafé Biên Hòa được biết đến là công ty có truyền thống đều đặn trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ “khủng”. Những năm gần đây, Vinacafé Biên Hòa luôn đều đặn trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 240 – 250%, đặc biệt năm 2018, công ty “chơi lớn” khi trả cổ tức bằng tiền mặt lên tới 660%.
VinaCafe Biên Hòa được thành lập vào năm 1963 với tên gọi là Công ty Cà phê Biên Hòa. Sau hơn 60 năm phát triển, doanh nghiệp đã trở thành một trong những nhà sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu tại Việt Nam.
VinaCafe Biên Hòa có thế mạnh là thương hiệu lâu đời, với các sản phẩm cà phê nổi tiếng như Vinacafe, Wake-up,… Doanh nghiệp còn có nhà máy hiện đại, công suất sản xuất hàng năm lên đến 50.000 tấn.
Công ty TNHH Masan Beverage ghi dấu sự hiện diện tại Vinacafé Biên Hòa từ năm 2011, khi Masan có chiến lược mua lại cổ phần từ các cổ đông lớn, dần nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 50%. Đến tháng 2/2018, Masan Beverage đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinacafé Biên Hòa lên 98,49%. Sau đó, Masan Beverage nhiều lần muốn mua lại số cổ phần VCF còn lại để nâng tỷ lệ sở hữu lên 100% nhưng không thành công.
Chính sách cổ tức hấp dẫn được duy trì đều đặn trên cơ sở hoạt động kinh doanh ổn định. Trong giai đoạn 2018-2020, doanh thu hằng năm của VCF đạt trên 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đều đặn 600-700 tỷ đồng/năm. Từ năm 2021 đến nay, doanh thu giảm còn xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế duy trì đều đặn trên 300 tỷ đồng/năm.
Nhìn lại năm 2023, VCF ghi nhận doanh thu thuần 2.353 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 41% so với năm 2022.
Về kết quả kinh doanh quý II/2024, công ty ghi nhận 578 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, Vinacafé thu về 98 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 20% so với cùng kỳ. Công ty cho biết, lợi nhuận giảm mạnh chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao hơn mức tăng của doanh thu.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vinacafé đạt 1.062 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 186 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 42,5% kế hoạch doanh thu (2.500 tỷ đồng) và gần 40% mục tiêu lợi nhuận (470 tỷ đồng) ở kịch bản thấp. Ở kịch bản cao, công ty chỉ hoàn thành khoảng 38% (2.800 tỷ đồng) mục tiêu doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận (500 tỷ đồng).
Link nguồn: https://cafef.vn/co-phieu-co-thi-gia-dat-do-nhat-hose-tang-kich-tran-truoc-them-chia-co-tuc-tien-mat-250-qua-khu-tung-bao-chi-co-tuc-hon-600-188240826111338427.chn