Số liệu nghiên cứu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy giá nhà liên tục thiết lập mức giá mới, ở mức cao, vượt xa tốc độ tăng trưởng thu nhập của đại đa số người dân.
Cụ thể, chỉ số giá căn hộ quý II/2024 tại Hà Nội và TP.HCM tăng lần lượt 58% và 27% so với quý II/2019. Các dự án căn hộ thương mại giá rẻ đã hoàn toàn biến mất tại các khu đô thị. Căn hộ tầm trung ngày càng khan hiếm, dần bị phân khúc cao cấp và hạng sang “thống trị” khi hơn 80% nguồn cung căn hộ chào bán tại Hà Nội và TP.HCM năm 2024 có giá từ 50 triệu đồng/m2 trở lên.
Nhiều dự án căn hộ mới ra mắt có giá lên đến hàng chục ngàn USD/m2. Giá bán sơ cấp của căn hộ cao đã khiến giá căn hộ cũ tăng vọt, nhiều căn hộ đã qua sử dụng hàng chục năm được giao dịch với giá gấp đôi, gấp ba giá tại thời điểm bàn giao.
Sau cơn sốt giá căn hộ, giá bán nhà gắn liền với đất, bao gồm biệt thự, nhà phố cũng tăng, kể cả một số dự án ở các quận xa trung tâm Hà Nội khi nguồn cung nội đô ngày càng khan hiếm.
Nếu như trước đây, giá một căn biệt thự lên tới hàng trăm triệu đồng/m2 đã được coi là cao thì hiện nay có những căn biệt thự được rao bán với mức giá lên tới 1 tỷ đồng/m2 vẫn được coi là bình thường.
Giá đất cũng liên tục tăng. Nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận hiện tượng đất sạch hợp pháp “nóng” cục bộ do hoạt động tái đầu tư hoặc do một số nhóm nhà đầu tư tạo cung cầu giả để đẩy giá lên. Tại một số tỉnh, thành phố như Hải Dương, giá đã vượt “đỉnh sốt” năm 2022.
VARS cho rằng trong ngắn hạn, giá nhà ở sơ cấp khó có thể giảm, đặc biệt là phân khúc chung cư – loại hình đáp ứng nhu cầu nhà ở chủ yếu tại khu vực thành thị. Bởi trong bối cảnh nhu cầu về bất động sản, đặc biệt là nhu cầu đầu tư không ngừng tăng cao, các nhà đầu tư sẽ ưu tiên phát triển phân khúc cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, chi phí xây dựng tăng cao cùng với cơ sở hạ tầng, tiện ích được đầu tư với chất lượng ngày càng cao.
Hành lang pháp lý mới loại bỏ những nhà đầu tư có năng lực tài chính yếu, buộc những nhà đầu tư còn lại trên “sân chơi” phải phát triển các khu đô thị lớn có hạ tầng, tiện ích đồng bộ, có sức ảnh hưởng lớn, đồng nghĩa với chi phí cao, cũng khiến giá nhà khó hạ.
Đồng thời, thị trường chỉ còn lại những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt, năng lực hiện hữu mạnh hoặc có lợi thế trong việc tạo quỹ đất, điều này sẽ tiếp tục duy trì hiện tượng độc quyền cung, các nhà đầu tư lớn sẽ tiếp tục quyết định giá thị trường, theo hướng tăng cao hơn để tối đa hóa lợi nhuận. Tình hình này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản.
Theo VARS, song song với việc thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội tại các khu vực đô thị, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng kết nối, dịch chuyển nhu cầu nhà ở từ khu vực lõi trung tâm sang khu vực xung quanh – khu vực có nhiều lựa chọn với mức giá phải chăng hơn, có nhiều dự án nhà ở xã hội được lên kế hoạch triển khai. Nhà nước cần có cơ chế điều tiết để giảm yếu tố đầu cơ, giúp thị trường bất động sản cân bằng trong dài hạn.
Link nguồn: https://cafef.vn/xuat-hien-hien-tuong-dat-nen-phap-ly-sach-sot-nong-cuc-bo-188240910090631963.chn