VN-Index vừa chứng kiến tuần giao dịch giằng co dù tăng điểm so với tuần trước. VCB (-1,16%); VPB (-1,84%) và SAB (-3,33%) gây áp lực lên chỉ số chung. Ngược lại, GVR (+19,31%), FPT (+5,45%) và GAS (+3,52%) là các nhân tố chính đóng góp vào đà tăng của thị trường. Thanh khoản cải thiện với giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt 30.135 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp đà bán ròng, chủ yếu trên
HoSE
với giá trị 2.609 tỷ đồng.
Giới phân tích nhận định, tuần tới,
thị trường chứng khoán
hướng tới tuần giao dịch quan trọng khi Fed có cuộc họp về chính sách tiền tệ diễn ra trong ngày 19-20/3 tới và chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại vùng kháng cự quanh 1.280 điểm.
Ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia từ Chứng khoán VNDirect nhận định, nếu khả năng Fed giữ nguyên lãi suất điều hành trong cuộc họp tới là gần như chắc chắn, sức nóng của sự kiện này vẫn không thuyên giảm do sự quan tâm sẽ đổ dồn vào bài phát biểu của Chủ tịch Fed.
Thị trường đang kỳ vọng những hé lộ mới về hướng đi tiếp theo của Fed, cụ thể là thời điểm dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành và mức độ cắt giảm dự kiến trong năm nay. Nếu
kịch bản của Fed
đưa ra không quá “diều hâu” so với kỳ vọng trước đó của thị trường (bắt đầu cắt giảm lãi suất từ quý II/2024 và có ít nhất 3 đợt cắt giảm trong năm 2024) thì chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phản ứng tích cực của các thị trường tài chính trên toàn cầu.
Với các vấn đề trong nước, thị trường chứng khoán phản ứng không quá tiêu cực về động thái
phát hành tín phiếu
của
Ngân hàng
Nhà nước. Thị trường đang có nhiều yếu tố hỗ trợ so với thời điểm cơ quan điều hành có động thái tượng tự vào năm ngoái (tháng 9 đến tháng 11).
Trong đó, triển vọng phục hồi kinh tế rõ rệt hơn, bức tranh kết quả kinh doanh quý 1 dự kiến tích cực và là bệ đỡ cho thị trường (trái ngược hoàn toàn với bức tranh quý 3 năm ngoái), và dòng tiền trong nước đang khá quyết liệt, được hậu thuẫn bởi môi trường lãi suất thấp và tâm lý kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng thị trường.
Chuyên gia từ Chứng khoán VNDirect cho rằng,
xu hướng tăng
từ đầu năm của thị trường vẫn chưa bị xâm phạm và chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại vùng kháng cự quanh 1.280 điểm trong tuần tới. Nhà đầu tư có thể tiếp tục duy trì nắm giữ cổ phiếu, ưu tiên phân bổ vào những nhóm cổ phiếu đang có yếu tố cơ bản hỗ trợ như chứng khoán, tiêu dùng, xuất khẩu, bất động sản khu công nghiệp.
Mặc dù xu hướng tăng điểm vẫn được bảo lưu, nhưng nhóm phân tích của Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, cơ hội hồi phục vẫn đang được để ngỏ, sự suy yếu của lực cầu và thiếu đi nhóm dẫn dắt sẽ khiến cho
xác suất vượt đỉnh
của VN-Index ngày càng giảm và rủi ro đảo chiều gia tăng.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục, có thể thực hiện bán chốt lời từng phần và hạ tỷ trọng các vị thế giao dịch khi chỉ số tiếp cận vùng cản kế tiếp quanh 1.300 (+-10 điểm).
Ông Nguyễn Huy Phương – chuyên gia phân tích từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) – cho rằng, thị trường có biên dao động khá rộng nhưng nhìn chung vẫn trong trạng thái tranh chấp với thanh khoản duy trì ở mức cao. Trạng thái tranh chấp này một phần là do hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF. Với trạng thái ổn định của điểm số, có khả năng thị trường sẽ có thêm thời gian để thăm dò cung cầu trong thời gian tới trước khi có tín hiệu cụ thể hơn.
Theo ông Phương, trạng thái phân hóa có thể diễn biến mạnh trong giai đoạn giằng co này. Do vậy, nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá trạng thái thị trường.
“Hiện tại nên ưu tiên các cổ phiếu có tín hiệu tốt từ vùng hỗ trợ để nắm giữ, tuy nhiên nên cân nhắc chốt lời các cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng kháng cự hoặc đang có diễn biến thận trọng tại vùng kháng cự”, ông Phương khuyến nghị.
Link nguồn: https://cafef.vn/chung-khoan-nin-tho-cho-fed-hop-188240317194615246.chn