Đây là cảnh báo được cơ quan này định kỳ hàng tháng gửi tới các đơn vị chuyên trách CNTT, an toàn thông tin của các bộ, ngành, địa phương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các ngân hàng, tổ chức tài chính.
Với lần cảnh báo này, trên cơ sở danh sách bản vá tháng 2/2024 của Microsoft với 72 lỗ hổng bảo mật tồn tại trong các sản phẩm của hãng, các chuyên gia Cục An toàn thông tin đã đánh giá và từ đó khuyến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đặc biệt lưu ý đến 9 lỗ hổng có ảnh hưởng mức cao và nghiêm trọng.
Trong đó, CVE-2024-21410 trong Microsoft Exchange Server là lỗ hổng được đánh giá có mức ảnh hưởng nghiêm trọng, cho phép đối tượng không cần xác thực, thực hiện tấn công leo thang đặc quyền.
Cùng với CVE-2024-21410 tồn tại trong Microsoft Exchange Server, 2 lỗ hổng an toàn thông tin khác cũng có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng, vừa được Cục An toàn thông tin khuyến nghị các đơn vị chú ý là CVE-2024-21413, CVE-2024-21378 trong phần mềm hỗ trợ quản lý thông tin Microsoft Outlook. Các lỗ hổng này cho phép đối tượng tấn công không cần xác thực thực thi mã từ xa.
Văn bản cảnh báo tháng 2/2024 của Cục An toàn thông tin còn điểm ra 6 lỗ hổng an toàn thông tin khác. Trong đó, 2 lỗ hổng CVE-2024-21412 trong Internet Shortcut Files và CVE-2024-21351 trong Windows SmartScreen cùng cho phép đối tượng tấn công vượt qua cơ chế bảo mật.
Bốn lỗ hổng gồm CVE-2024-21399 trong Microsoft Edge, CVE-2024-21379 trong Microsoft Word, CVE-2024-21384 trong Microsoft Office OneNote và CVE-2024-20673 trong Microsoft Office đều cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.
Đáng chú ý, trong 9 lỗ hổng an toàn thông tin mới được cảnh báo, có 3 lỗ hổng hiện đang bị khai thác trong thực tế, đó là: CVE-2024-21410 trong Microsoft Exchange Server, CVE-2024-21412 trong Internet Shortcut Files và CVE-2024-21351 trong Windows SmartScreen.
Link nguồn: https://cafef.vn/canh-bao-9-lo-hong-an-toan-thong-tin-muc-cao-va-nghiem-trong-188240225122920622.chn