Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tiếp tục giảm loạt lãi suất điều hành, đây là lần thứ 3 cơ quan này giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Một mũi tên trúng nhiều đích
Vốn tín dụng hiện nay khó có thể rẻ hơn nếu so với tương quan các biến số vĩ mô của Việt Nam. Cụ thể với 5 lĩnh vực ưu tiên, vốn vay ngắn hạn chỉ còn 4,5%/năm. Ở một mức vốn rẻ này, thì nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu đủ điều kiện, họ chẳng dại gì phải đi gõ cửa vốn ở các kênh khác, đắt hơn.
Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia tài chính cho rằng trên phương diện tổng quan, quyết định hạ lãi suất điều hành vừa qua của NHNN là mũi tên trúng nhiều đích, hướng đến có thể góp sức giảm bớt nhiệt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và quan trọng hơn là tạo động lực thúc đẩy tín dụng tốt hơn cho nền kinh tế. “Chúng ta còn một quý nữa- quý quan trọng nhất theo quy luật thông thường, tín dụng có thể sẽ tăng trưởng cao gấp đôi các quý liền trước. Do đó, vốn rẻ kỳ vọng sẽ chảy gấp đôi, thậm chí gấp 3, để vừa giúp đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, các ngân hàng có bệ phóng cho room tín dụng năm tới, doanh nghiệp chạy đón một năm kinh doanh mới với hy vọng khởi sắc”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Cần kích cầu đồng bộ
Tuy nhiên, ông Huỳnh Tín, Tổng giám đốc một Công ty Đầu tư, cho biết thực tế chưa hẳn như vậy. Bởi lãi suất cho vay sẽ hạ và có tính hỗ trợ nhất cho trước hết là 5 lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. “Các lĩnh vực thiếu vốn, lại thiếu điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng, như bất động sản, năng lượng, khai khoáng… đều là những chủ thể phát hành trái phiếu lớn thời gian qua, nên vẫn sẽ khó vay vốn ngân hàng”, ông Tín nêu.
“Phải nói thêm rằng, từ đầu năm 2020, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng đã hạ phổ biến về mức 6%. Do đó, sau nhiều đợt điều chỉnh, lãi suất về mức 4,5% cũng không hẳn là cơ hội vốn rẻ cho doanh nghiệp. Điều mà các doanh nghiệp cần lúc này là đầu ra, chứ không hẳn chỉ là vốn. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa thông suốt trở lại, việc trông vào tiêu thụ nội địa, đặc biệt trong quý cuối năm – mùa Lễ Tết, là rất quan trọng với sức khỏe doanh nghiệp. Cần một chính sách kích cầu đồng bộ bao gồm kích vốn giá rẻ cho tiêu dùng thì mới có cơ hội đạt được mục tiêu kép, thúc đẩy tăng trưởng GDP”, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn khuyến nghị.