Hiện nay, thị trường cho thuê nhà phố thương mại (hay còn gọi là shophouse) khá ảm đạm khi số lượng mặt bằng kinh doanh tại các nhà phố treo biển cho thuê ngày càng nhiều. Nhiều trường hợp chủ nhà phố treo biển cho thuê đã lâu nhưng vẫn không có người thuê.
Không chỉ nhà phố mà ngay cả các trung tâm thương mại, nhà chung cư trên các tuyến phố lớn cũng trong tình trạng ế ẩm, thiếu người thuê. Liệu sự phát triển của các sàn thương mại điện tử có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nhà chung cư, trung tâm thương mại?
Giải thích về vấn đề này tại một sự kiện gần đây, ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc khu vực phía Nam của Batdongsan.com.vn cho biết, yếu tố thương mại điện tử tác động mạnh đến nhóm thương mại. Tuy nhiên, không nhất thiết sẽ tác động đến tất cả các nhóm ngành. Bởi, không chỉ riêng Việt Nam mà các thị trường lân cận khác, tác động chỉ mang tính cục bộ. Nhu cầu của một số nhóm ngành không bị ảnh hưởng như thực phẩm, làm đẹp. Riêng nhóm hàng xa xỉ – vốn mang tính chất thường xuyên lui tới, đòi hỏi phải có vị trí trên phố.
Ngoài ra, ông Tuấn cho biết, nhà phố phục vụ ăn uống vẫn đang phát triển. Minh chứng tại thị trường TP.HCM cho thấy một số tuyến phố chính phục vụ ăn uống gần như kín chỗ.
Theo đó, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà phố đã tăng trưởng rõ nét hơn vào quý 2 năm 2024. Khi được khảo sát, 65% môi giới chia sẻ đây là loại hình bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực.
Ông Tuấn cho biết có hai yếu tố tác động lớn đến phân khúc nhà mặt phố là du lịch và tiêu dùng. Một là du lịch, 5 tháng đầu năm, Việt Nam đón 7,6 triệu lượt khách du lịch, trong khi thời điểm cao điểm là 18 triệu lượt. Vào thời điểm đó, nhà mặt phố phát triển rực rỡ. Rõ ràng, chúng ta phải chờ thêm cơ hội, chờ thêm thời gian để nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp phục hồi. Thứ hai là tiêu dùng, tiêu dùng hiện chưa cao sẽ tác động đến phân khúc nhà mặt phố.
Tuy nhiên, tại hội thảo Báo cáo thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2024 do Batdongsan.com.vn tổ chức, TS. Cấn Văn Lực – Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, chúng ta cần tái cấu trúc phân khúc nhà phố, trung tâm thương mại, nhà phố thương mại vì thị hiếu của cả người bán và người tiêu dùng đã phục hồi nhưng rất khác nhau. Thương mại điện tử Việt Nam hiện tăng trưởng khoảng 20-25%/năm, phần lớn người dân mua bán hàng hóa trực tuyến rất phổ biến, trong đó có thực phẩm, đồ uống…
“Tôi cho rằng những người làm bất động sản phân khúc nhà phố thương mại cần quan sát và tái cấu trúc. Bởi vì chúng ta thấy rõ các trung tâm thương mại, đặc biệt là trung tâm thương mại hạng sang, rất vắng khách và chủ yếu là ngắm hàng qua cửa sổ – đi xem. Tất nhiên, vẫn có nhiều người đến mua hàng hiệu nhưng số lượng không nhiều. Do đó, đây là xu hướng dịch chuyển kênh phân phối cần lưu ý”, ông Lực bình luận.
Ông Lực cho biết, mặc dù nhu cầu tiêu dùng và bán lẻ đã phục hồi nhưng thị hiếu của người tiêu dùng đã thay đổi. “Theo tôi, tiềm năng phát triển của phân khúc này trong thời gian tới không nhiều. Tuy nhiên, thị hiếu thay đổi sẽ sinh ra một phân khúc bất động sản mới là nhà kho, nhà xưởng, kho bãi. Hiện tại, phân khúc này đang rất thiếu hụt tại Việt Nam”, ông Lực chia sẻ.
Link nguồn: https://cafef.vn/ts-can-van-luc-ai-lam-bat-dong-san-o-phan-khuc-nha-pho-thuong-mai-thi-can-phai-quan-sat-de-co-cau-lai-188240703150324641.chn