Theo số liệu từ Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong 6 tháng đầu năm 2024, các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục được thúc đẩy với tần suất và quy mô ngày càng tăng, với sự tham gia của các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính trong và ngoài ngành, trong nước và quốc tế.
Các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm, thâu tóm các dự án bất động sản nhà ở hoặc quỹ đất sạch lớn tại vùng ngoại thành hoặc các tỉnh, thành phố lân cận các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM để phát triển các dự án nhà ở phức hợp.
Theo các chuyên gia, nửa cuối năm 2024, khi 3 luật quan trọng tác động sâu rộng đến thị trường bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, làn sóng M&A bất động sản sẽ tăng mạnh.
“Việc ba luật trụ cột liên quan đến thị trường bất động sản gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 là bước ngoặt lớn, mở ra nhiều cơ hội mới cho lĩnh vực bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung”, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM khẳng định.
Theo ông Liêm, các luật này cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết được những vấn đề tồn đọng, giải phóng nguồn lực cho các dự án mới, minh bạch hóa thị trường bất động sản… góp phần hài hòa lợi ích, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Qua đó, thúc đẩy nguồn cung dự án ra thị trường.
Theo Luật sư Nguyễn Trúc Hiền, thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF), trước đây vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản pháp lý, khiến hoạt động M&A chưa thể bứt phá. Tuy nhiên, trong tương lai gần, nhiều thay đổi toàn diện về quy định sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Giá đất sẽ tăng theo giá thị trường, tạo lợi ích cho chủ sở hữu đất và giúp giảm khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình đền bù tại các dự án.
Cụ thể, theo bà Hiền: “Luật Đất đai năm 2024 sẽ bổ sung thêm nhiều lợi ích cho nhà đầu tư nước ngoài như nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, sử dụng đất do nhận chuyển nhượng dự án bất động sản và mở rộng phương thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những quy định mới, thông thoáng hơn là cơ hội để thị trường bất động sản Việt Nam đón làn sóng M&A trong giai đoạn tới”.
Khẳng định tác động mạnh mẽ của 3 Luật sắp có hiệu lực, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) cũng khẳng định, việc triển khai các Luật mới liên quan đến bất động sản kỳ vọng sẽ tháo gỡ những nút thắt về cơ chế, pháp luật cho doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên đất đai. Đồng thời, định giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ xóa bỏ tình trạng hai giá, tạo cơ sở hợp lý cho việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, xác định giá bất động sản, tính toán chi phí – hiệu quả đầu tư dự án…
Trên thực tế, mặc dù vẫn còn nhiều vướng mắc trong thủ tục dự án M&A, nhiều chủ đầu tư có tiềm lực tài chính đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, M&A để tạo quỹ đất sạch đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường bất động sản. Một cái tên khá nổi tiếng trong nước thời gian gần đây là Tập đoàn KITA.
Cụ thể, thông qua lộ trình M&A các dự án pháp lý sạch, Tập đoàn KITA đã hồi sinh Khu đô thị Stella Mega City nay có tên gọi là KITA Airport City (trung tâm quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) với quy mô hơn 150 ha; Dự án KITA Capital nằm trong quần thể Khu đô thị Nam Thăng Long – Ciputra; Dự án Khu đô thị cao cấp thuộc đại dự án Golden Hills (Đà Nẵng); Dự án TAX Resort và Khu đô thị Hòa Lạc (Hà Nội); Dự án Sân golf cao cấp Sakura Golf (Hải Phòng)…
Mới đây, Chủ đầu tư dự án KITA Group đã khởi công xây dựng dự án căn hộ Stella Icon tại Khu đô thị KITA Airport City, cùng với đó, Chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện thủ tục để bàn giao sổ đỏ cho nhiều khách hàng đã mua sản phẩm tại các phân khu của dự án. Đây là bước tiến lớn trong lộ trình triển khai kể từ khi hoàn tất thương vụ M&A dự án này.
Ông Nguyễn Duy Kiên – Nhà sáng lập KITA Group từng chia sẻ: KITA Group kiên định với sứ mệnh “hồi sinh” các dự án thông qua hoạt động M&A để phát triển thành sản phẩm bất động sản bền vững, minh bạch, pháp lý rõ ràng, phấn đấu biến các dự án thành công trình có điểm nhấn kiến trúc, công năng độc đáo.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn khác như Vinhomes, Eurowindow, Ecopark, TNG Holdings, Hưng Thịnh… cũng đang tích cực tham gia phát triển các dự án từ quỹ đất lớn từ 50-150 ha tại Lâm Đồng, Long An, Hải Phòng, Bình Thuận…
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, những cái tên đã có mặt tại Việt Nam từ lâu như Keppel Land, Capital Land, Gamuda cũng đã tích lũy được quỹ đất riêng, đây là một lợi thế. Gần đây, các ông lớn này liên tục thâu tóm quỹ đất sạch để triển khai các dự án căn hộ, khu đô thị lớn tại Hà Nội và TP.HCM.
Hiện nay, các nhà đầu tư này đang hướng đến phân khúc bất động sản văn phòng, bán lẻ với mức lợi nhuận 7-8%/năm. So với các nước trong khu vực, mức lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản chỉ đạt 2-3%/năm, trong khi tại Việt Nam đạt 8-10%/năm, rất hấp dẫn.
“Từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024, đã ghi nhận khoảng 16 thương vụ M&A bất động sản. Mục tiêu của các nhà đầu tư vẫn là tìm kiếm quỹ đất sạch, chất lượng tốt, giá trị thực cũng như hồ sơ pháp lý đầy đủ, có nhiều tiềm năng phát triển”, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam tiết lộ.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh, chuyên gia của JLL Việt Nam, M&A hiện không chỉ là “trò chơi” gom tài sản đơn thuần, do đó, doanh nghiệp trong nước có thể coi đây là giải pháp nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh.
Có thể nói, hoạt động M&A bất động sản Việt Nam vẫn tích cực từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước cũng kỳ vọng 3 luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực sẽ sớm tháo gỡ rào cản để thị trường phục hồi. Chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn, việc tích lũy quỹ đất của nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn được nhiều doanh nghiệp trong nước tìm kiếm.
Link nguồn: https://cafebiz.vn/bat-dong-san-cuoi-nam-ky-vong-don-lan-song-bung-no-ma-nho-cac-luat-moi-176240808193921409.chn