Trong văn bản góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với ô tô, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, liên quan đến mức thuế đối với ô tô chạy bằng xăng kết hợp điện (ô tô hybrid), dự thảo hiện quy định mức thuế suất thấp hơn, bằng 70% mức thuế suất ô tô chạy bằng xăng tương ứng đối với ô tô chạy bằng xăng kết hợp điện, nhưng yêu cầu phải sạc bằng hệ thống sạc riêng.
Theo các doanh nghiệp, xe hybrid (xe chạy bằng xăng kết hợp với điện) có hai dạng: (1) có hệ thống sạc riêng; (2) không có hệ thống sạc riêng.
Dự thảo quy định hiện chỉ đề cập đến loại thứ nhất là xe hybrid có hệ thống sạc riêng. Được biết, loại xe hybrid thứ hai không có hệ thống sạc riêng sẽ chịu mức thuế suất tương đương với xe chạy bằng xăng tương ứng.
“Điều này thực sự không hợp lý vì xe hybrid không có hệ thống sạc riêng vẫn có tác dụng giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và là bước chuyển đổi sang xe điện hoàn toàn, trong khi các trạm sạc và công nghệ chưa đủ tiện lợi cho người tiêu dùng”, văn bản của VCCI nêu.
Do đó, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm chính sách khuyến khích xe hybrid không cần hệ thống sạc riêng, có mức thuế suất thấp hơn so với xe chạy bằng xăng tương ứng.
Về chính sách khấu trừ, hoàn thuế, Điều 9.2 dự thảo quy định: “Người nộp thuế sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có sử dụng nguyên liệu đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu có chứng từ hợp pháp thì được khấu trừ số thuế đã nộp đối với nguyên liệu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp ở khâu sản xuất”.
Như vậy, để được khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: (1) Hàng hóa đầu ra phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; (2) Nguyên vật liệu đầu vào phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
VCCI cho biết, trên thực tế, hiện nay có trường hợp doanh nghiệp sản xuất ô tô chuyên dụng không được khấu trừ, hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào.
Trong trường hợp xe cứu thương, loại thuế không được khấu trừ và không được hoàn lại này làm tăng chi phí sản xuất xe cứu thương trong nước khoảng 35% – 40%. Điều này gián tiếp làm tăng chi phí y tế và giảm khả năng tiếp cận dịch vụ của bệnh nhân.
Để sản xuất xe chuyên dụng, các doanh nghiệp thường sẽ dựa trên một số dòng xe thương mại phổ biến. Ví dụ, xe cứu thương được sản xuất trên cơ sở xe du lịch 9 hoặc 12 chỗ ngồi, xe chở tiền được sản xuất trên cơ sở xe du lịch 7 chỗ ngồi.
Các loại xe chở tù nhân, xe tang, xe công viên giải trí, xe buýt trường học và các loại xe chuyên dụng khác đều được sản xuất từ các loại xe thương mại thông dụng.
“Quá trình sản xuất này có đầu vào là xe thương mại thông thường, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đầu ra là xe chuyên dụng, không chịu thuế”, VCCI nêu rõ.
Như vậy, căn cứ theo Điều 9.2 của dự thảo, các doanh nghiệp này chỉ đáp ứng điều kiện (2) mà không đáp ứng điều kiện (1). Do đó, các doanh nghiệp này không được khấu trừ thuế hoặc hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt.
VCCI nhấn mạnh, chính sách này tác động rất tiêu cực đến hoạt động sản xuất và sử dụng xe chuyên dùng tại Việt Nam, do giá bán các loại xe này trên thị trường bị đẩy lên cao do thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào không được khấu trừ và hoàn lại.
Do chi phí thuế sản xuất trong nước cao trong khi hàng hóa tương tự sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế nên doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
“Thậm chí còn có trường hợp xe thương mại trong nước được đưa ra nước ngoài để cải tạo thành xe chuyên dụng rồi nhập khẩu trở lại Việt Nam để trốn thuế”, VCCI chỉ ra những bất cập.
Trong khi đó, sản xuất xe chuyên dụng là thị trường ngách mà nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có thế mạnh dựa trên sự cần cù, sáng tạo của đội ngũ công nhân, kỹ sư Việt Nam.
Đây cũng là những doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ cần có môi trường chính sách công bằng để cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài.
Vì những lý do trên, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung trường hợp khấu trừ, hoàn thuế đối với việc sử dụng xe thương mại để sản xuất xe chuyên dụng.
Trong văn bản này, VCCI cũng trích dẫn kiến nghị của một số doanh nghiệp cần làm rõ khái niệm xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng trong dự thảo hoặc bỏ khái niệm này và tham khảo quy định về phân loại xe của Bộ Giao thông vận tải để thuận lợi cho quá trình áp dụng.
Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi mức thuế suất áp dụng đối với xe bán tải cabin đôi tại Điểm d Khoản 4 Điều 8. Theo đó, xe bán tải có dung tích xi-lanh từ 2,5 lít trở xuống sẽ chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 60% mức thuế suất đối với xe dưới 9 chỗ ngồi cùng dung tích, tương đương mức thuế suất là 30%, thay vì mức thuế suất 15% như hiện nay, điều này sẽ khiến giá bán loại xe này tăng lên.
Trước quy định này, nhiều ý kiến kỳ vọng giá xe bán tải cabin đôi sẽ được duy trì ở mức hợp lý, phù hợp với túi tiền, thuận tiện hơn cho người dân bình dân.
Link nguồn: https://vneconomy.vn/bat-cap-chinh-sach-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xe-hybrid-va-o-to-chuyen-dung.htm