Trí tuệ nhân tạo được xem là công cụ hữu ích đối với việc sáng tác nghệ thuật, mang lại những trải nghiệm mới lạ hơn cho cả khán giả và những người làm nhạc. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ này trong âm nhạc cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu AI có thể “bóp chết” sự sáng tạo hay báo trước một kỷ nguyên sáng tạo mới.
Bên trong phòng thu âm tại Đại học Queen Mary ở thủ đô London (Anh), một nhóm các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển cái mà họ gọi là “thế giới ảo mới” của âm nhạc.
Một cây đàn guitar tiên tiến sử dụng AI mang tên “HITar” sở hữu các cảm biến đọc chuyển động của người chơi để tạo ra tiếng trống và âm thanh tổng hợp.
“Công nghệ này về cơ bản giúp tôi có thể chơi guitar mà vẫn có âm thanh của trống và các nhạc cụ khác cùng lúc” – anh Andrea Martonelli, nghiên cứu sinh Đại học Queen Mary, Anh, chia sẻ.
Trong khi đó, các nghệ sĩ khác lo lắng, công nghệ này có thể đi quá xa khi AI tạo sinh có thể tự tạo ra âm thanh, lời bài hát, thậm chí là toàn bộ bài hát hoàn chỉnh.
Ca sĩ Amy Love của ban nhạc Nova Twins cho biết: “Chúng tôi không thích điều đó. Nếu để AI giúp viết một bài nhạc thì không hay chút nào. Tôi cảm thấy không có ranh giới rõ ràng trong việc này và có những hệ lụy, đặc biệt là về danh tính”.
Với việc nhóm nhạc The Beatles phát hành “Now and Then”, được coi là bài hát cuối cùng của họ và có giọng hát của cố danh ca John Lennon được tái hiện bằng AI từ một bản ghi âm cũ, nhiều chuyên gia cho rằng, AI có thể bị lạm dụng và gây ra những lo ngại về pháp lý hoặc đạo đức.
Ông Abbas Lightwalla – Giám đốc chính sách pháp lý Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế – cho rằng: “Vấn đề chúng ta đang gặp phải là ngày càng có nhiều nhà phát triển AI đã đào tạo các mô hình AI với số lượng lớn tác phẩm có bản quyền mà không nhận được bất kỳ sự cho phép nào, sau đó sử dụng công cụ đó để tạo ra tác phẩm mới. Chúng tôi cũng nhận thấy sự gia tăng các công cụ AI cho phép nhân bản các nghệ sĩ, với tính cách, giọng nói, hình ảnh của họ. Sự phát triển AI tạo sinh bất hợp pháp sẽ gây ra rủi ro”.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, tính minh bạch sẽ là nền tảng khi những quy định về AI tạo sinh mới chỉ đang ở giai đoạn đầu.
TS. Mathieu Barthet – Giảng viên tại Trường Đại học Queen Mary, Anh – cho biết: “Tôi nghĩ AI có thể có vị trí trong chuỗi sản xuất âm nhạc nếu nó được sử dụng đúng cách và đảm bảo rằng các nhạc sĩ, người biểu diễn có mức độ kiểm soát nhất định”.
Nguy cơ sẽ biến thành cơ hội nếu con người kiểm soát tốt công nghệ. Khi đó, nghệ sĩ có thể khám phá nhiều cơ hội mới mà AI là trợ thủ đắc lực chứ không phải đối thủ.
Link nguồn: https://cafef.vn/ai-se-bop-chet-su-sang-tao-hay-bao-truoc-mot-ky-nguyen-moi-188240226000204349.chn