Chỉ trong vòng ít ngày 2 sự cố liên tiếp đã xảy ra với Facebook, nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới. Đầu tiên là lỗ hổng 0-day cho phép tin tặc có thể chiếm quyền điều khiển tài khoản từ xa mà không cần người dùng phải thao tác. Sau đó đỉnh điểm là sự cố sập mạng Facebook trên toàn cầu đêm ngày hôm qua. Tuy Facebook đã được khôi phục nhưng người dùng cần hết sức cảnh giác với các dịch vụ “ăn theo” mà mục tiêu không gì khác ngoài lừa đảo, tấn công người dùng.
Thông thường, tin tặc sẽ rất “nhạy cảm” với các sự kiện kiểu như này, sẽ có nhiều hình thức ăn theo như “hướng dẫn đăng nhập Facebook khi gặp lỗi”, “cách khôi phục mật khẩu nhanh nhất”… được đưa ra. Nếu không cảnh giác, người dùng có thể làm theo hướng dẫn và truy cập vào các website lừa đảo, từ đó bị mất thông tin tài khoản, mật khẩu.
Không chỉ có tài khoản Facebook, hiện giờ, nhiều mạng xã hội khác cũng là “mồi ngon” để những kẻ lừa đảo “tranh thủ thời cơ” tấn công người dùng. Do đó, việc cảnh giác và luôn đảm bảo an toàn thông tin cho tài khoản là việc làm không khi nào thừa.
Dưới đây là những nguyên tắc chung để bảo về an toàn thông tin cho tài khoản và thiết bị cá nhân mà người dùng cần lưu ý:
Cập nhật phần mềm
Đảm bảo bạn phải thường xuyên kiểm tra (1 lần/ tuần)
Cập nhật cho các ứng dụng và phần mềm mà bạn thường xuyên sử dụng trên thiết bị cập nhật càng sớm càng tốt.
Đặt mật khẩu mạnh
Nên sử dụng cụm mật khẩu (passphrases) thay vì mật khẩu đơn giản.
Sử dụng trình quản lý mật khẩu để tạo và lưu trữ các mật khẩu ngẫu nhiên có độ dài tối thiểu là 20 kí tự.
Cài đặt xác thực 2 yếu tố
Bạn có thể kích hoạt xác thực hai nhân tố thông qua các dịch vụ bạn sử dụng, nếu tài khoản hỗ trợ phương pháp này.
Thực hiện sao lưu dữ liệu khi nghi ngờ thiết bị hoặc tài khoản bị hack
Hãy đảm bảo rằng dữ liệu của bạn được sao lưu ra ổ cứng tách biệt với thiết bị đang sử dụng hoặc sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây trên Internet.
Cảnh giác với các file đính kèm, các tập tin lạ
Không nên tải và mở chạy file ngay khi nhận được thư điện tử vì rất có thể file đã bị cài cắm mã độc, virus.
Chú ý tới định dạng file và tạo thói quen quét virus với các file đính kèm trước khi mở chúng, đặc biệt là các tập tin đính kèm có đặt mật khẩu gửi kèm theo nhằm qua mặt các giải pháp bảo vệ ở lớp mạng.
Cảnh giác với wifi công cộng
Nếu mạng không dây không được bảo vệ đúng mức thì bất cứ một máy tính nào có hỗ trợ truy cập không dây đều có thể kết nối để truy cập Internet.
Cài đặt và sử dụng VPN
VPN là một cách để đảm bảo tính bảo mật cho “dữ liệu truyền qua” trên một mạng không tin cậy, nhưng chúng cũng cung cấp một số lợi ích khác.
Lưu ý về biểu tượng khóa
Nếu một địa chỉ trang web bắt đầu bằng https://, thì đồng nghĩa đấy là địa chỉ an toàn. Chỉ nên nhập thông tin nhạy cảm trên các trang web hiển thị biểu tượng khóa này tại thanh địa chỉ.
Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng, hiện nay có rất nhiều trang web lừa đảo sử dụng biểu tượng khóa. Do đó, hãy chú ý hơn đến địa chỉ của trang web và kiểm tra lại xem nó có chính xác hay không.
Link nguồn: https://cafef.vn/7-nguyen-tac-giup-bao-ve-an-toan-thong-tin-cho-tai-khoan-va-thiet-bi-ca-nhan-188240308112549402.chn